Thiêng liêng cờ Tổ quốc giữa biển khơi
Tháng 6-2012, thông tin lá cờ Tổ quốc bằng gốm ở Trường Sa hoàn thành sau hai tháng miệt mài lắp ghép từ những mảnh gốm nhỏ của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cùng các cộng sự được đăng tải trên các phương tiện truyền thông để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc.
Tôi đã tìm đọc nhiều bài viết, xem nhiều ảnh chụp các góc độ về lá cờ và đem thông tin ấy lên lớp. Chúng tôi cùng tranh luận về việc tại sao không làm bằng một chất liệu khác mà lại bằng gốm?
Và câu trả lời thuyết phục nhất chính là: Chỉ có sự bền bỉ của gốm được nung ở nhiệt độ cao mới giữ được màu sắc tươi sáng và chịu được cái nắng, cái gió kèm muối mặn của biển cả. Chúng tôi cùng nói về ý nghĩa đặc biệt của lá cờ đối với chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tôi đã gửi gắm tâm tình của mình với các em học viên: Sau này tốt nghiệp, trong quá trình công tác sẽ có đồng chí được ra thăm Trường Sa, có đồng chí sẽ trực tiếp làm nhiệm vụ tại Trường Sa, khi ấy hãy lên tận nơi để ngắm lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc và nếu có thể thì chia sẻ với cô nhé!. Bởi trong suy nghĩ của tôi, việc được trực tiếp ngắm nhìn lá cờ chỉ có thể xuất hiện trong mơ mà thôi.
Từ năm ấy, tôi vẫn đem câu chuyện lá cờ Tổ quốc bằng gốm vào bài giảng của mình. Và điều may mắn, hạnh phúc đã đến với tôi. Trong những ngày cuối tháng 5-2023, tôi đã được đặt chân đến Trường Sa, được cảm nhận cái nắng, cái gió giữa biển khơi, thấy được vị mặn trên môi khi hít hà gió biển và được tận mắt ngắm nhìn một công trình kỳ diệu của những người Việt yêu nước, tự hào về dân tộc, giống nòi. Tôi đã gặp, xin phép Thượng tá Nguyễn Công Chính, Chính trị viên đảo Trường Sa cho tôi cùng một số học viên được lên ngắm lá cờ. Trên nóc nhà hội trường trung tâm của đảo, lá cờ Tổ quốc bằng gốm rộng 310m2, được ghép từ 310.000 mảnh gốm mosaic, nặng 3,5 tấn hiện ra trước mắt, nó thật đẹp.
Với thiết kế độ dốc 5 độ, lá cờ không chỉ được nhìn thấy từ trên không mà tàu từ phía xa cũng có thể nhìn thấy. Đó là sản phẩm của quá trình làm việc nghiêm túc, chăm chỉ, miệt mài từ công đoạn chọn đất, nung gốm của những nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đến khâu vận chuyển từ tàu lên đảo của những chiến sĩ hải quân và cuối cùng là đôi bàn tay khéo léo ghép từng mảnh gốm của họa sĩ và các cộng sự. Những mảnh gốm nhỏ màu đỏ tươi, vàng óng đã được ghép lại thành lá cờ lớn, trở thành biểu tượng thiêng liêng, vững chãi, hiên ngang giữa biển khơi.
Khi mấy cô trò chạm tay lên từng mảnh gốm nhỏ, tôi lại mắc bệnh nghề nghiệp, nói với học viên: Các em biết đấy, đại dương mênh mông, sâu thẳm nên trong lòng nó còn giữ rất nhiều bí mật. Các nhà khảo cổ học đã khai quật, tìm được dưới lòng đại dương rất nhiều hiện vật bằng gốm từ những con tàu bị đắm của các thương nhân nước ngoài, có niên đại cách ngày nay hàng trăm năm.
Vì vậy, cô tin chắc rằng lá cờ Tổ quốc bằng gốm sẽ trường tồn cùng với dân tộc, là cột mốc chủ quyền trên biển nhìn từ trên không, để hàng ngàn năm sau, lá cờ Tổ quốc bằng gốm sẽ vẫn kể câu chuyện về sự hiện diện của nó ở Trường Sa.
Rời Trường Sa, trong trái tim chúng tôi vẫn hiện lên dáng hình của lá cờ Tổ quốc bằng gốm, hiện lên hình dáng của những chiến sĩ hải quân ngẩng cao đầu, hiên ngang canh giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. Có lẽ, trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn là biểu tượng thiêng liêng nhất. Chúng ta quen nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió, thể hiện cho khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và nhắc nhớ về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Thế hệ trẻ Việt Nam hãy nhớ, còn có một lá cờ không tung bay trong gió mà hiên ngang, căng rộng ngay ngắn ở giữa biển khơi, không sợ nắng mưa, bão tố của biển cả, là cột mốc chủ quyền trên biển của dân tộc nhìn từ trên không. Nó đã trở thành một biểu tượng cho sự sáng tạo không ngừng của người Việt qua nhiều thế hệ và gợi mở cho mỗi chúng ta hàng ngàn, hàng vạn cách khác nhau để thể hiện lòng yêu nước và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, cho dù đang sống ở đất liền hay hải đảo xa xôi.