Đẩy mạnh giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng số
- Với mục tiêu nâng tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, vì Nhân dân phục vụ, thời gian qua, các cấp chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giải quyết hồ sơ DVCTT trên nền tảng số. Từ đó, tạo thuận tiện, rút ngắn thời gian chờ đợi của tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).
EmailPrintTwitterFacebook
Chị Nguyễn Thị Liên, xã Minh Tâm (Vĩnh Lộc) đến Bộ phận Một cửa UBND huyện Vĩnh Lộc để Đăng ký giấy phép kinh doanh. Sau khi, hoàn thành thủ tục đăng ký và hài lòng với thái độ phục vụ của đội ngũ công chức tại đây. Chị Liên cho biết: Được công chức bộ phận một cửa nhiệt tình hướng dẫn, cách thức sử dụng DVCTT tôi đã nắm bắt được cách thức thực hiện trên Cổng DVCTT. Lần sau, nếu cần làm các TTHC khác, tôi sẽ thực hiện trực tuyến vì rất tiện lợi và giúp giảm bớt thời gian, công sức đi lại...
Người dân khi đến bộ phận một cửa thực hiện các DVCTT sẽ được cán bộ công chức hướng dẫn cụ thể từng bước thực hiện. Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin, sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để cải cách hành chính, đẩy mạnh số hóa nền hành chính công, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các DVCTT - Chị Phạm Thị Trang, Công chức phụ trách Bộ phận Một cửa UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết.
Thời gian qua, huyện Vĩnh Lộc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT, khai thác tốt chức năng tra cứu thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết TTHC cho người dân và ký số giải quyết TTHC, đẩy mạnh số hóa hồ sơ và quy trình giải quyết. Đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc trong môi trường số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm thực hiện hiệu quả cải cách TTHC, hướng tới xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại.
Thôn Tân Giao, xã Thăng Long (Nông Cống) hiện có trên 800 nhân khẩu với 220 hộ gia đình. Từ khi tổ công nghệ số cộng đồng của thôn được thành lập, các thành viên tổ công nghệ số đã hăng hái, tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng định danh điện tử VneID. Việc sử dụng thành thạo tài khoản định danh điện tử cá nhân đã giúp người dân tiếp cận và sử dụng các DVCTT một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Chị Mai Thị Hạnh, thôn Tân Giao cho biết: Sau khi được hướng dẫn thực hiện cài đặt ứng dụng định danh điện tử VneID, tôi nhận thấy có rất nhiều tiện ích, đặc biệt là không phải mang theo nhiều loại giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm, bằng xe máy... khi đi ra ngoài hoặc khi cần giải quyết các TTHC mà chỉ cần mang theo điện thoại thông minh.
Từ nhiều nguồn lực, xã Thăng Long đã đầu tư hạ tầng công nghệ, lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại các nhà văn hóa thôn, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng tài khoản DVCTT... Đến nay, đa phần người dân trong xã đã tiếp cận tốt, sử dụng thành thạo tài khoản DVC khi thực hiện các TTHC - Ông Đặng Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.
Để thực hiện giải quyết hồ sơ trên cổng DVCTT, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Nông Cống đã rà soát, cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa các cấp, thay đổi tư duy từ làm thay, làm hộ sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ theo đúng quy định, gắn với trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. UBND các xã, thị trấn đã bố trí phòng làm việc riêng cho bộ phận một cửa đảm bảo quy định, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ giải quyết TTHC trực tuyến cho tổ chức, công dân.
Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ - cơ quan quản lý Cổng dịch vụ công quốc gia, năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh Thanh Hóa đạt khoảng 40% tổng số hồ sơ, thì 6 tháng đầu năm 2023, con số này đã tăng lên hơn 59%.
Đến thời điểm này, hầu hết các hồ sơ được tiếp nhận tại bộ phận một cửa của cả 3 cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều đã được số hóa để phục vụ khai thác, chia sẻ và tái sử dụng. Chỉ cần truy cập vào Cổng dịch vụ công 2 cấp, người dân có thể tra cứu lịch sử thực hiện và kết quả TTHC, lưu lại bản điện tử hoặc bản giấy giấy tờ thiết yếu để tiếp tục sử dụng cho những TTHC khác mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp với chính quyền.
Để tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi thực hiện TTHC trực tuyến, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động soạn thảo, ban hành các mẫu hồ sơ điện tử, công khai trên trang thông tin điện tử của sở, ban, ngành để người dân tiện tra cứu, tải về máy tính hoặc thiết bị thông minh và tự thực hiện TTHC trực tuyến, chủ động chụp ảnh, scan giấy tờ cá nhân đi kèm.
Các cơ quan quản lý, số hóa hồ sơ TTHC cũng đã hỗ trợ đắc lực cho việc lưu trữ, sắp xếp tài liệu, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục do không cần phải tra soát, đối chiếu nhiều lần, hạn chế được sai sót, trùng lắp khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tiết kiệm được chi phí văn phòng phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên địa bàn Thanh Hóa vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục như: Một số TTHC trực tuyến vẫn còn rườm rà, phức tạp khiến người dân có tâm lý e ngại khi thực hiện; tỷ lệ người dân sử dụng sim điện thoại không chính chủ cao, dẫn đến không thể tạo lập được tài khoản DVC do thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trang thiết bị, hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, nhất là ở cấp xã khiến công tác số hóa hồ sơ và lưu trữ hồ sơ số gặp nhiều khó khăn; hệ thống dữ liệu chuyên ngành và quản lý TTHC các cấp liên thông còn chậm, dẫn đến tình trạng hồ sơ của công dân dù đã được số hóa và nộp trực tuyến, thì cán bộ tiếp nhận vẫn phải nhập liệu lại trên nhiều phần mềm khác nhau khiến mất thời gian, công sức...