Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý bảo vệ và phòng, chống cháy rừng
(vhds.baothanhhoa.vn)- Thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ cao xảy ra sự cố cháy rừng, do đó, lực lượng kiểm lâm và các địa phương trong tỉnh luôn đề cao cảnh giác, theo dõi sát tình hình, diễn biến rừng
Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý bảo vệ và phòng, chống cháy rừng để kịp thời phát hiện sớm các nguy cơ, điểm cháy, khu vực cháy đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng.
EmailPrintTwitterFacebook
Hạt Kiểm lâm huyện Hà Trung hiện đang quản lý gần 10.000 ha rừng (trong đó có khoảng 900 ha rừng đặc dụng). Để tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng, đơn vị đã thường xuyên bố trí cán bộ thay phiên nhau túc trực. Bên cạnh đó, hệ thống camera được lắp đặt tại các xã Hà Lĩnh, Yến Sơn (Hà Trung) và Đại Lộc (Hậu Lộc) đã phát huy tác dụng, góp phần phát hiện sớm các nguy cơ cháy rừng.
Ông Trịnh Trung Nhật, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hà Trung cho biết: Nhiệm vụ của hệ thống camera là theo dõi tình hình các khu vực rừng 24/24 giờ và truyền tín hiệu về trung tâm, giúp lực lượng túc trực có thể phát hiện các sự việc bất thường, các đám cháy rừng để xử lý kịp thời. Các camera được lắp đặt là loại chuyên dụng, có độ phân giải cao, tầm quan sát xa tới 10 km trong điều kiện bình thường. Cứ 2-3 phút, hệ thống camera lại chuyển dữ liệu hình ảnh về trung tâm, giúp người làm nhiệm vụ có thể nhìn thấy những đám khói dù là nhỏ nhất, để kịp thời thông tin cho lực lượng chức năng sớm kiểm tra, xử lý ngoài thực địa. Việc đưa vào vận hành hệ thống camera giám sát lửa rừng đã hỗ trợ lực lượng trực báo cháy rất nhiều, góp phần ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các đám cháy xảy ra.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 11 trạm camera được lắp đặt tại nhiều điểm nóng cháy rừng, giúp lực lượng kiểm lâm theo dõi, giám sát được diện tích rừng rộng khoảng 70.000 ha. Từ khi hệ thống camera này đi vào hoạt động, hàng chục ngàn ha rừng phòng hộ, nhất là diện tích rừng thông có nguy cơ xảy ra cháy cao, đã được giám sát liên tục ngày đêm; nhờ đó, nhiều đám cháy rừng đã được phát hiện sớm và dập tắt kịp thời ngay khi bắt đầu hình thành.
Kiểm lâm Thanh Hóa ứng dụng thiết bị bay không người lái phục vụ công tác kiểm tra rừng.
Bên cạnh đó, hệ thống camera còn giúp giảm thiểu lực lượng gác rừng vào cao điểm nắng nóng. Trước đây, vào thời điểm này, các địa phương sẽ phải bố trí nhiều tổ, chốt, mỗi tổ từ 2 đến 3 người canh gác 24/24 giờ tại các điểm hay xảy ra cháy. Từ khi có hệ thống camera, lực lượng chức năng không phải lập chốt canh gác rừng, giúp tiết giảm kinh phí và nhân công, nhưng vẫn đạt hiệu quả cao hơn trong công tác bảo vệ rừng.
Huyện Như Xuân là một trong các huyện miền núi có diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, hiện còn nhiều loài động thực vật quý hiếm. Do vậy, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa trang cấp 10 thiết bị GPS đã tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm lâm viên địa bàn kịp thời theo dõi, kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhờ đó, nhiều năm gần đây, trên địa bàn huyện Như Xuân, an ninh rừng cơ bản ổn định, nhận thức về bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp của Nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Ông Phạm Văn Phượng, Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân cho biết: Quá trình sử dụng công nghệ GPS vào công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, kiểm tra an ninh rừng rất khả dụng, thông dụng cho kiểm lâm viên địa bàn, xác định được vị trí tọa độ mình đi, hàng năm có tập huấn triển khai, đưa tất cả vào bản đồ định vị, kiểm lâm viên địa bàn xác định được lô, khoảnh, tiểu khu, áp dụng khoanh vẽ hiện trạng để xác định diện tích trồng rừng, phát nương làm rẫy.
Ông Đàm Văn Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết: Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa sẽ xây dựng các đề án, dự án để trang bị thêm các camera cũng như flaycam, các thiết bị khác tại các vùng trọng điểm về an ninh rừng, những vùng có nguy cơ cháy cao; nghiên cứu ứng dụng các phần mềm liên kết giữa các thiết bị giám sát với Bản đồ hiện trạng rừng, Bản đồ tác chiến chữa cháy rừng để từ đó đưa ra các giải pháp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng hiệu quả nhất.
Kế hoạch chuyển đổi số ngành lâm nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định tập trung vào các nhiệm vụ nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, tăng cường trang bị các phần mềm, trang thiết bị chuyên ngành như sử dụng camera quang học kết hợp flycam giúp phát hiện sớm các đám cháy, phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng hiệu quả nhất; ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, cập nhật biến động rừng tự động; các phần mềm nhận dạng nhanh một số loài động vật quý hiếm để phục vụ công tác quản lý, điều tra, xử lý vi phạm, quản lý, nuôi nhốt các động vật hoang dã
qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra.